"Cứu"... gói 30.000 tỷ như thế nào?

(Dân trí) - Bỏ điều kiện khống chế diện tích căn hộ dưới 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2; kéo dài thời hạn trả nợ lên 15 năm; thêm nhiều ngân hàng tham gia triển khai gói tín dụng… Đây là những đề xuất của Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng về gói 30.000 tỷ đồng.


Mở rộng toàn bộ điều kiện vay

Báo cáo mới nhất gửi đến Chính phủ, Thủ tướng ký ngày 19/3 của Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, tính đến hết ngày 15/3/2014, các ngân hàng đã cam kết cho vay với 3.048 khách hàng. Tổng số tiền cam kết đạt 2.909 tỷ đồng. Trong đó, tiền đã giải ngân cho 3.023 khách hàng với dư nợ cho vay đạt 1.322 tỷ đồng (tương đương hơn 4%), trong đó, đã giải ngân cho 14 dự án với số tiền là 591 tỷ đồng và cho 3.011 cá nhân mua nhà với dư nợ 731 tỷ đồng.
Khái quát về việc triển khai gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng, Bộ trưởng Xây dựng đánh giá, chính sách đã được triển khai và thu được kết quả bước đầu. Tuy nhiên tiến độ giải ngân vẫn còn chậm, do nguồn cung về nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 còn ít. Một số ngân hàng vẫn còn thận trọng trong việc xác định đối tượng vay. Một số chính quyền địa phương cấp cơ sở cũng chưa quán triệt chủ trương, chính sách nên việc triển khai xác nhận đối tượng còn phiền hà, chậm chễ gây bức xúc trong xã hội.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng thông tin, sau khi thống nhất với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Xây dựng đề nghị Thủ tướng cho phép điều chỉnh một số quy định có liên quan đến gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng.



Bộ đề xuất kéo dài thời hạn trả nợ từ 10 năm lên 15 năm đối với khách hàng là cá nhân. Mở rộng đối tượng vay để mua nhà ở thương mại có tổng giá trị hợp đồng cả nhà và đất không quá 1,05 tỷ đồng (không khống chế về diện tích và đơn giá).

Bộ trưởng Xây dựng cũng xin mở rộng cho vay đối với các hộ dân ở vùng thường xuyên xảy ra bão lũ thuộc các tỉnh duyên hải, Miền Trung đã có đất ở phù hợp với quy hoạch, có khó khăn về nhà ở (chưa có nhà ở hoặc có nhà ở nhưng xuống cấp hư hỏng), được vay để xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở với lãi suất 4%.

Diện đối tượng được vay tiền mua nhà từ gói tín dụng 30.000 tỷ còn gồm các hộ dân ở đô thị; cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang đã có đất ở phù hợp với quy hoạch, có khó khăn về nhà ở (chưa có nhà ở hoặc nhà xuống cấp hư hỏng) được vay để xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở, nhưng tổng số vốn vay không quá 80% của “hạn mức” 1,05 tỷ đồng.

Ngoài ra, các hợp đồng mua nhà ở xã hội đã ký trước 7/1/2013 mà chưa thanh toán hết tiền mua nhà (đối với khoản tiền chưa nộp theo tiến độ) cũng được kiến nghị đưa vào diện được vay tiền.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng trình phương án, ngoài 5 ngân hàng thương mại nhà nước, bổ sung thêm một số ngân hàng thương mại cổ phần theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước, được phép tổ chức triển khai gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ.

Không cấp mới dự án nhà thương mại trong năm 2014

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trên địa bàn cả nước, hiện đã có 57 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội với quy mô xây dựng khoảng 34.837 căn. Trong đó, Hà Nội có 21 dự án đăng ký chuyển đổi với quy mô xây dựng khoảng 11.408 căn với tổng mức đầu tư khoảng hơn 9.000 tỷ đồng. TPHCM có 24 dự án đăng ký chuyển đổi với quy mô xây dựng khoảng 14.800 căn với tổng mức đầu tư khoảng 8.800 tỷ đồng.

Hiện cả nước cũng có 62 dự án đăng ký điều chỉnh cơ cấu căn hộ thương mại với số lượng ban đầu là 31.999 căn hộ xin điều chỉnh thành 40.500 căn hộ. Cụ thể, Hà Nội có 35 dự án điều chỉnh với 19.494 căn hộ (tăng 5.529 căn). TPHCM có 20 dự án đăng ký điều chỉnh với 11.849 căn hộ (tăng 2.791 căn).

Tại Hà Nội, cơ quan quản lý đã tiến hành xem xét, thẩm định được 40 dự án chuyển đổi và cơ cấu. Cụ thể, có 15 dự án chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, với tổng số căn hộ dự kiến chuyển đổi khoảng 5.478 căn thành 10.587 căn. Thành phố đã chấp thuận chủ trương cho phép chuyển đổi 6 dự án. 6 dự án đang tiếp tục xem xét. Có 3 dự án không đủ điều kiện.

Có 25 dự án điều chỉnh cơ cấu căn hộ với quy mô sử dụng đất 8,90 ha. Số lượng căn hộ thương mại điều chỉnh là 12.026 căn hộ (tăng 3.673 căn).

TPHCM có 26 dự án được xem xét. Trong đó, 10 dự án chuyển đổi nhà ở thương mại sang làm nhà ở xã hội với quy mô số lượng căn hộ xin chuyển sang làm nhà ở xã hội là 9.052 căn hộ (tăng 4.397 căn), tổng mức đầu tư khoảng 6.769 tỷ đồng.

Có 15 dự án điều chỉnh cơ cấu căn hộ thương mại với số lượng căn hộ thương mại điều chỉnh là 10.667 căn hộ (tăng 2.485 căn), tổng mức đầu tư khoảng 13.800 tỷ đồng. Hiện 3 dự án đã hoàn thiện, 5 dự án đã xây dựng xong phần thô và 6 dự án đã xây dựng xong phần móng. Có 1 dự án chuyển đổi công năng dự án nhà ở thương mại sang bệnh viện là 360 căn hộ chuyển đổi thành bệnh viện 500 giường.

“Tuy kết quả việc chuyển đổi các dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội còn chậm, nhưng từ tháng 5/2013, đến nay đã có 15 dự án nhà ở xã hội được động thổ, khởi công xây dựng. Tại Hà Nội có 4 dự án, TPHCM có 2 dự án” – báo cáo dẫn thêm con số.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Xây dựng cũng đề nghị Thủ tướng yêu cầu các địa phương kiên quyết tạm dừng, dừng các dự án không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển cũng như nhu cầu của địa phương. Theo hướng đề xuất này, các địa phương cũng không cấp phép đầu tư mới đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại, các dự án khu đô thị mới trong năm 2014.

Bộ trưởng Xây dựng cũng “gợi ý” cho phép các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới đã qua phân loại được đưa vào diện tiếp tục triển khai mà chủ đầu tư hiện đang nợ tiền sử dụng đất, chưa thực hiện kinh doanh (chưa bán hoặc chưa huy động vốn) nhưng giá thị trường hiện tại thấp hơn suất đầu tư (bao gồm chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng, chi phí đầu tư công trình, tiền sử dụng đất) thì được phép tính lại tiền sử dụng đất phải nộp theo mặt bằng giá thị trường hiện nay và không phải nộp phạt do chậm nộp tiền sử dụng đất.