(Dân trí) -
Chị D vừa "xuống tiền" mua căn hộ được vài hôm, đã nhận được điện thoại
từ chính nhân viên bán hàng đề nghị chị bán lại với giá chênh 50 triệu. Trên
các trang rao vặt, mức giá chênh từ vài chục cho đến vài trăm triệu đã xuất hiện
đối với các căn hộ tốt, đã hoặc đang hoàn thiện.
Sau thời
gian dài trầm lắng, thị trường bất động sản cuối năm 2013 và đầu năm 2014 đã có
xu hướng ấm dần lên, thể hiện qua lượng giao dịch tăng nhiều những tháng gần
đây , các dự án dở dang tiếp tục được triển khai và mở bán, niềm tin của khách
hàng dần được hồi phục…
Theo ghi nhận,
người mua hiện chủ yếu quan tâm đến các dự án đã hoặc gần hoàn thiện nhằm tránh
tranh chấp về chất lượng hoàn thiện và thời gian bàn giao. Những dự án chất lượng
tốt, chủ đầu tư uy tín và giá cả hợp lý đang trở thành tâm điểm thu hút khách.
Đáng lưu ý,
dù mới chỉ đầu năm nhưng tại nhiều sàn giao dịch, lượng người đến tìm mua các
căn hộ nhỏ 45 - 75 m2 với mức giá khoảng 1 - 2 tỷ đồng tăng lên rõ rệt, khác hẳn
với thời điểm này năm ngoái. Căn hộ diện tích nhỏ có sức tiêu thụ tốt do phù hợp
với nhu cầu và khả năng tài chính của số đông người tiêu dùng. Tại nhiều dự án
người mua nhà phải chấp nhận trả thêm một khoản tiền chênh cho người mua trước
hoặc "cò" để mua được căn hộ phù hợp.
Khảo sát tại
một số sàn giao dịch lớn khu vực Hà Đông và Linh Đàm cho thấy, để mua được các
căn hộ nhỏ tại dự án Xuân Mai Tower (Hà Đông) người mua phải trả chênh 20 - 70
triệu đồng/căn tùy diện tích và tầng cao; Victoria Văn Phú (Hà Đông) khoảng 10
- 25 triệu đồng/căn; dự án Kim Văn - Kim Lũ (Linh Đàm, Hoàng Mai) khoảng 30
- 150 triệu đồng/căn; VP 5 (Linh Đàm -
Hà Đông) khoản chênh còn lên tới gần 300 triệu đồng/căn có vị trí đẹp...
Tại một số dự
án, thậm chí còn xuất hiện tình trạng, ngay sau khi mua xong căn hộ, người mua
còn được dân môi giới tại các sàn giao dịch liên tục gọi điện, nhắn tin “gạ”
bán lại với khoản chênh cao hơn. Theo chị Đ.P.D, một khách hàng vừa mua căn hộ
tại một dự án ở Tô Hiệu (Hà Đông), chỉ sau vài ngày xuống tiền mua căn hộ, chị
đã nhận được đề nghị từ nhân viên bán hàng về việc bán lại căn hộ này với giá
chênh 50 triệu đồng.
Không chỉ tại
các dự án giá thấp, tại một số dự án cao cấp cũng xuất hiện tiền chênh từ vài
chục cho tới cả trăm triệu đồng. Dạo qua một lượt các trang giao dịch bất động
sản cho thấy, dự án chung cư Hòa Phát (đường Hoàng Minh Giám, Thanh Xuân) được
rao bán chênh khoảng 150-200 triệu đồng/căn so với giá gốc; chung cư UDIC (Nam
Trung Yên, Cầu Giấy) chênh 80-150 triệu đồng/m2 tùy căn, tùy hướng.
Đặc biệt, dự
án Vinhomes Times City vừa mở bán hôm 17/3 mới đây đã thu hút hàng trăm khách
hàng quan tâm, tìm hiểu. Dù mở bán dành riêng cho cư dân Vinhomes Times City
song hàng dài khách hàng từ nhiều nơi đổ về xếp hàng tìm hiểu và rất nhiều giao
dịch đã thành công sau 4 ngày mở bán cho thấy sức hút lớn của dự án. Trên các
trang rao vặt và các sàn giao dịch, những căn đẹp của Times City cũng được rao
bán chênh từ vài chục triệu đồng đến cả trăm triệu đồng mỗi căn.
Khoản tiền
chênh xuất hiện trở lại cho thấy thị trường đã bắt đầu nóng dần lên với người
mua có nhu cầu ở thực và sẵn sàng chấp nhận bỏ thêm tiền để chọn được căn hộ
ưng ý. Theo quan sát, giá chênh cũng thường xuất hiện ở những dự án có vị trí đẹp,
và đặc biệt là đã hoàn thiện.
Trao đổi với
báo chí, chủ đầu tư một dự án xuất hiện khoản chênh lớn cho biết, tình trạng
này hoàn toàn là do thị trường quyết định. Người mua và người bán tự thỏa thuận
trên cơ sở thuận mua vừa bán.
Về phía người
mua nhà, hầu hết đều thừa nhận, với mức giá hợp túi tiền, vị trí ổn cộng với
cân đối được tài chính thì sẽ quyết định xuống tiền. Thời điểm này, người tiêu
dùng cũng ít có tâm lý trông chờ giá xuống thêm mới mua mà ngược lại, lo ngại
khi thị trường phục hồi giá sẽ tăng cao trở lại như giai đoạn trước đây.
Không chỉ
giá chênh, thời điểm hiện tại, do tín hiệu thị trường đang ấm lên, nhu cầu căn
hộ cũng tăng cao, giá căn hộ tại nhiều dự án bị đẩy lên. Một số chủ đầu tư còn
tuyên bố sẽ tăng giá khoảng 5 - 10%. Tại Hà Nội, chủ dự án Hòa Bình Green City
mới đây cho biết sẽ tăng giá khoảng 10% trong đợt mở bán tới hay như tại dự án
Thăng Long Number One giá bán ra cũng đã tăng 2 - 3% so với bảng giá cũ.
Giới chuyên
gia đánh giá, có một số dấu hiệu tích cực hơn cho thị trường nhà ở thương mại
trong 2014. Trong đó, có thể kể tới sự hấp dẫn giảm dần ở các kênh đầu tư khác
cơ như vàng, chứng khoán, hoặc gửi tiết kiệm kết hợp với chính sách tín dụng nới
lỏng cho bất động sản từ các ngân hàng. Đặc biệt, sự nỗ lực của các chủ đầu tư
cũng đã khuyến khích sự trở lại của dòng tiền vào bất động sản.
Trong khi
đó, đề xuất mới đây của Bộ Xây dựng lên Thủ tướng Chính phủ sẽ mở ra nhiều cơ hội
cho người nước ngoài mua nhà cũng như cho thuê/bán lại bất động sản của họ. Việc
này cho thấy Chính phủ đang lắng nghe thị trường. Nếu những đề xuất này được
thông qua, dự kiến sẽ thu hút mạnh dòng tiền từ nước ngoài, qua đó tác động
tích cực đến thị trường bất động sản.
Theo đó, thị
trường năm 2014 được kỳ vọng sẽ tốt hơn năm 2013. Tuy nhiên, điều này cũng còn
phụ thuộc vào các yếu tố hỗ trợ như giá bán hợp lý, sản phẩm phù hợp với thị
trường và dự án có tiến độ xây dựng tốt.
Mặc dù vậy,
giới quan sát cũng cảnh báo những "cơn sốt" kiểu bong bóng như trước
sẽ không xuất hiện, thị trường sẽ có sự phân hóa đáng kể. Các dự án đã và đang
hoàn thiện, có vị trí và mức giá hợp lý sẽ có lực cầu rõ rệt còn những dự án
"ù lì", chậm tiến độ hoặc thời hạn giao nhà còn quá xa sẽ ít được lựa
chọn hơn.
"Điều
này, ngoài việc hiện người mua nhà đã có nhiều lựa chọn tốt, còn do tâm lý của
người mua nhà để ở không muốn rủi ro sau một giai đoạn nhốn nháo của thị trường",
một nhà phân tích cho biết.